Qua miền nắng gió Tuy Phong

Không có nhận xét nào
Những chiếc cối xay gió quay đều trên nền trời xanh thẳm là cách để người đi du lịch đánh dấu vị trí của Tuy Phong, Bình Thuận.

< Những trụ phong điện nổi bật trên nền trời xanh.

Nằm trên mảnh đất Bình Thuận, nhưng cái tên Tuy Phong ít được nhớ tên vì là điểm giáp danh giữa hai miền Bình Thuận và Ninh Thuận mà ta thường qua lại.

Nhưng mảnh đất này lại là điểm đến thú vị dành cho những người ưa thích khám phá. Tuy Phong nằm cách thành phố Phan Thiết 90 km về phía Bắc.

Nhà máy phong điện đầu tiên ở Việt Nam

Những trụ phong điện nổi bật thấy được ngay trên đường quốc lộ 1 là cách để xác định mảnh đất Tuy Phong bởi nơi đây bốn bề thoáng rộng và mênh mông biển xanh, cát trắng. Những trụ phong điện này vẫn được gọi vui là cối xay gió với ba cánh quạt khổng lồ, cao 85 m, nặng gần 200 tấn, mỗi cánh dài 37,5 m.

Chùa Cổ Thạch

Ngôi chùa này còn được gọi là chùa Hang, tọa lạc gần bờ biển xã Bình Thạnh, ẩn mình trong hang động tự nhiên với cảnh non nước hữu tình. Chùa được xây dựng năm 1835 – 1836 trên khu đồi núi thấp, nép mình vào bên trong hang đá.

Thời vua Thiệu Trị, chùa được cải tạo từ vẻ hoang sơ ban đầu, biến thành một nơi rộng hơn về không gian và tinh xảo trong nghệ thuật, được lưu giữ hầu như nguyên vẹn đến ngày nay.

Bãi đá Cà Dược bảy màu

Cách chùa Cổ Thạch vài trăm mét là bãi đá mang hình cánh cung chạy dài ôm lấy biển xanh quy tụ hàng trăm ngàn viên sỏi phong phú về hình dáng như vuông, tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi... Không chỉ đa dạng về hình dáng, những viên sỏi ở đây có nhiều sắc màu khác nhau như trắng, đen, vàng, nâu, tím, xanh, lam, đỏ... với những đường vân rất đẹp, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bước chân lên những viên đá cuội sẽ có tác dụng giống như được bấm huyệt cho lòng bàn chân.

Biển Cổ Thạch

Biển Cổ Thạch nằm khuất giữa những vách đá muôn hình và vắng vẻ. Nước biển trong veo, xanh biếc, với những đợt sóng vừa phải nhưng nhanh và mạnh. Không có nhiều dịch vụ và rất hoang sơ, bãi biển này là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch bụi ưa thích khám phá.

Mũi La Gàn

Mũi La Gàn nằm lấn ra ngoài biển tạo thành vòng cung với những vịnh biển êm đềm nên gần như các mùa trong năm sóng nước vẫn hiền hòa ấm áp. Vịnh La Gàn là nơi cập bến lý tưởng cho nhiều tàu cá của người dân địa phương và các tỉnh. Ở La Gàn có những bãi cát vàng tuyệt đẹp, những làng chài thơ mộng. La Gàn còn được mệnh danh là “thiên đường” của hải âu. Do có nhiều ghềnh, khe đá nên hải âu đến lưu trú rất nhiều.

Rừng Tà Hoàngthác Yavly

Khu rừng Tà Hoàng nằm tại xã Phan Dũng, xã miền núi còn nhiều đồng bào dân tộc Rắc-lây sinh sống. Rừng có nhiều cây gỗ quý như lim, sao, căm xe, hương, trắc, gõ... những vạt rừng bằng lăng thẳng tắp, cao chót vót vươn lên nền trời xanh đẹp tựa tranh vẽ. Cắt ngang tuyến đường xuyên rừng là những dòng suối nước trong vắt, mát lạnh

Từ bìa rừng vào đến thác Yavly khoảng 15 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ để chạy xe và lội bộ.  Thác Yavly cao khoảng 50 m tung bọt trắng xóa như mây phủ kín cả một góc rừng, vì vậy mà người dân nơi đây đặt tên cho nó là Thác Mây.

Suối khoáng nóng Vĩnh Hảo

Tắm bùn và ngâm chân nước khoáng nóng tại khu suối khoáng nóng Vĩnh Hảo, nơi theo truyền thuyết, ngày xưa, Huyền Trân công chúa đã từng ngâm chân chữa bệnh. Có lẽ ít ai biết rằng, cái tên Vĩnh Hảo đầy ấn tượng ấy lại do chính Huyền Trân Công Chúa đặt cho dòng suối nóng Eamu đầy thơ mộng từ đầu thế kỷ 14, nhân chuyến “ngao du sơn thủy” cùng chồng là vua Chiêm Chế Mân bên dòng suối.

Theo Hân Hân (Dulich.Vnexpress)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét