Thăm nhà thờ đầu tiên tại VN

Không có nhận xét nào
(DTO) - Một trong những nhà thờ công giáo được cho là xây dựng đầu tiên tại Việt Nam là nhà thờ Hội An. Qua tìm hiểu, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu để độc giả hiểu thêm về nhà thờ này, và đây cũng là một địa điểm thu hút du khách.

< Nhà thờ Hội An hiện nay.

Người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ

Đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn cho phép những người nước ngoài đến làm ăn, buôn bán chính thức tại Hội An; trong đó các nhà buôn người Nhật và Hoa Kiều chiếm đại đa số. Năm 1614, chính quyền Nhật Bản thực hiện lệnh cấm đạo nên các giáo sĩ truyền đạo bỏ đi. Họ lên đường đến thương cảng Hội An.

Dòng Tên (dòng mang tên Chúa Jesus) cử 3 tu sĩ gồm Francisco Buzoni, Diego, Carvalho (người Bồ Đào Nha), Jose và Paulo (2 người Nhật) đến Tourain (Đà Nẵng), sau đó họ vào Faifo (Hội An) truyền đạo. Đó là ngày 18/1/1615.

< Khu mộ cổ các giáo sĩ nước ngoài tại nhà thờ Hội An.

Khi đến Hội An cư trú nhưng việc giảng đạo ở đây lại không thuận lợi vì đa phần người Hội An lúc này là người nước ngoài, làm ăn, buôn bán nên họ không quan tâm việc nghe giảng đạo. Các nhà truyền giáo lại không biết tiếng An Nam (tiếng Việt) vì vậy họ phải đến vùng Thanh Chiêm (cách Hội An khoảng 10km) truyền đạo cho người địa phương vừa truyền đạo vừa học tiếng. Đầu tháng 4 năm 1615 họ đã rửa tội cho 10 giáo dân. Năm sau đã có hơn 300 người theo đạo. Thấy công việc trôi chảy, họ ở lại Thanh Chiêm.

Đến đây chúng ta thấy rằng những nhà truyền giáo đến Đà Nẵng theo đường biển nhưng lại đi đến Hội An cư trú và lập nhà thờ. Vì vậy có thể nói nhà thờ Hội An chính là nơi đầu tiên các giáo sĩ phương Tây đến và cư ngụ (năm 1615).

Hai năm sau (1617) giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) đến xứ Đàng Trong (Hội An). Ông là người giỏi tiếng Nhật nên có thể truyền giáo cho những thương nhân Nhật Bản ở đây. F.Pina đến vùng Thanh Chiêm bỏ tiền ra mua đất làm nhà thờ và ông ở đó để học tiếng người địa phương. Trong tất cả những người truyền đạo thì F.Pina là người duy nhất không cần thông dịch. Ông nghiên cứu tiếng nhờ những người dân địa phương; đến năm 1622, F.Pina cơ bản hoàn tất việc chuyển hóa ngôn ngữ từ âm tiếng Việt sang chữ viết Latinh. Ông mở trường dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ trong đó có Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha) và Alexander de Rhodes (người Pháp).

Vào một ngày tháng 12 năm 1625, F.Pina đi nhận hàng ở Cửa Đại (Hội An), trong lúc ở trên thuyền thì một cơn gió thổi làm ông ngã xuống biển. Do mặc áo dòng lụng thụng không bơi được nên ông bị chết đuối. Cái chết của F.Pina đã làm công trình biên soạn tiếng Việt bị dang dở. Sau đó hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha khác là Gaspar de Amaral  (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647) tiếp tục công trình của F.Pina.


< Mộ các giáo sĩ nước ngoài thế kỷ 17, 18, 19.

Năm 1625, khi Alexxander De Rhodes bị trục xuất ở xứ Đàng Ngoài vào Hội An đến Thanh Chiêm, ông ta mới tiếp tục công trình của F.Pina rồi biên soạn thành tự điển Việt La Bồ (Việt Nam-La tinh-Bồ Đào Nha). Năm 1645, Alexxander de Rhodes chính thức bị chúa Nguyễn trục xuất khỏi xứ Đàng Trong.

Lịch sử luôn có những điều bất ngờ, các nhà truyền giáo đã làm một điều thật kỳ diệu là đã chuyển tiếng nói của người An Nam từ chổ không có chữ viết trở thành có chữ viết theo hệ Latinh. Theo các quá trình như trên thì chính Francisco de Pina mới là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, tức tiếng Việt ngày nay. Trong khi Alexander De Rhodes chỉ là người học trò của ông, biên soạn tiếp theo dựa trên “bộ khung” mà Pina thiết kế.

Một điều “bí ẩn” nữa là giáo sĩ F.Pina chết vào tháng 12 năm 1625 nhưng không thấy tài liệu nào đề cập việc chôn cất ở đâu. Do không thấy tài liệu nào nói đưa thi hài ông đi khỏi xứ Đàng Trong nên có thể khẳng định rằng Francisco de Pina đã được chôn cất tại Hội An (Faifo). Còn vị trí nào, ở đâu thì đến nay vẫn chưa biết được.

< Phù điêu trên nhà thờ Hội An cho thấy hình ảnh các giáo sĩ nước ngoài đến Đàng Trong giảng đạo trên con thuyền vượt biển.

Cũng cần nói thêm là ngoài các giáo sĩ Dòng Tên nêu trên còn có các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris như Lambret la Motte (1659-1679), Luy Laneun (1680-1682), Culielm Mahot (1682-1684), Francisco Perez(1684-1728), Carola Marino Lable (1697-1723), Alexandro de Alexandris (1726-1738), Juan Valere Rist (1735-1737). Trong số trên có 3 giáo sĩ đã được cải táng đưa về nhà thờ Hội An chôn cất.

Đến đây chúng ta có thể xác định được một số vấn đề sau: Nhà thờ Hội An là nhà thờ công giáo đầu tiên tại Việt Nam (Giáo xứ Hội An được thành lập năm 1615). Dinh Trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là cái nôi tiếng Việt (năm 1617 khi F.Pina đến đây bỏ tiền ra mua đất xây nhà thờ, nghiên cứu chuyển ngữ tiếng nói người Việt ra mẫu tự Latinh). Francisco de Pina (1585-1625) mới chính là cha đẻ của tiếng Việt chứ không phải Alexander De Rhodes.

Để tìm ra được ngôi mộ của người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ thật không dễ dàng vì không có tư liệu nào nói rõ điều này. Chúng tôi chỉ cung cấp thêm những giả thuyết để bạn đọc hiểu thêm về ngôi mộ của Francisco de Pina.

Đi tìm ngôi mộ của người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ

< Bia dinh trấn Thanh Chiêm.

Giáo xứ Hội An được thành lập vào năm 1615 bởi các giáo sĩ Bozomi, Carvalho và các thầy dòng. Từ 1615 đến 1665, ở Hội An có 3 cộng đoàn Công giáo: cộng đoàn người Nhật có nhà nguyện tại địa điểm bây giờ là đình Cẩm Phô, cộng đoàn người Hoa có nhà nguyện ở đường Cantinaise cũ, còn cộng đoàn người Việt có nhà nguyện ở phường Sơn Phong.

Năm 1643, trụ sở truyền giáo của các giáo sĩ ở Hội An là một trong hai trụ sở chính của giáo đoàn Đàng Trong. Trụ sở ở Hội An có nhà chung (nhà thờ) cho bổn đạo và nhà riêng cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes và các thầy giảng. Năm 1675, giáo sĩ Conrtaulin xây dựng một nhà thờ tại Hội An. Giữa thế kỷ XVII, một số giáo sĩ của Hội Truyền Giáo hải ngoại ở Pháp (Hội Thừa Sai Pháp – Hội Thừa Sai Paris) được cử đến Hội An. Người đầu tiên là giáo sĩ Louis Chevreuil (1644), sau đó là Lambret la Motte (1659-1679), Luy Laneun (1680-1682)… Những giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris đã xây dựng ở Hội An trụ sở truyền giáo riêng bên cạnh trụ sở truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên. Từ cuối thế kỷ 17, cùng với những biến động về chính trị - xã hội, công cuộc truyền giáo bị gián đoạn, các nhà thờ đều hoang phế.

< Trên bia có ghi rõ: F.Pina là người khai sinh ra chữ quốc ngữ.

Năm 1914, một số giáo dân quy tụ về Hội An, xây dựng nhà nguyện mới bằng tranh và gỗ tại địa điểm nhà thờ Thiên Chúa giáo Hội An hiện nay. Hơn 20 năm sau, tức năm 1935, linh mục Pierre Gallioz đã thay thế ngôi nhà nguyện này bằng ngôi nhà thờ kiên cố theo kiến trúc Gothique. Năm 1965, ngôi nhà thờ này bị phá hủy để thay vào đó ngôi nhà thờ mới với kiểu dáng như hiện nay.

Một giáo dân năm nay 55 tuổi, hiện là người giúp bảo vệ nhà thờ Hội An kể về chuyện khai quật 3 ngôi mộ các giáo sĩ nước ngoài mà ông tham gia. “Ở khu vực lò mổ heo thuộc phường Sơn Phong trước đây có 3 ngôi mộ tu sĩ nước ngoài. Khoảng năm 1979, 1980 chính quyền thị xã Hội An bấy giờ thấy nhếch nhác quá vì mấy người làm heo xong lại đổ nước bẩn ra mấy ngôi mộ này nên chính quyền quyết định dời các ngôi mộ này đi chổ khác. Sau khi làm việc với nhà thờ Hội An và giáo xứ, họ quyết định cải táng 3 giáo sĩ nước ngoài này về chôn cất trong khuôn viên nhà thờ”.

Có khoảng 30 người tham gia cuộc bốc mộ. Những ngôi mộ này nhìn bên ngoài như những cái nấm đơn giản nhưng khi đập ra lại rất khó khăn. Phải dùng búa, xà beng mới phá ra được. Đào xuống một lúc lại gặp một lớp đất đá rất cứng giống như đá tổ ong trộn với vôi vữa nhưng chất kết dính rất chắc, đập mãi không ra. Phải dùng thêm các “xì rô” đục xuống mới vỡ khối kết dính ra.


< Khu mộ cổ các giáo sĩ nước ngoài tại nhà thờ Hội An.

Xong lớp thứ hai, đào xuống khoảng một mét thì gặp một lớp thứ 3 cứng chắc như lớp thứ 2. Qua được 3 lớp mới đến được quách chứa hài cốt. Điều rất ngạc nhiên là phần hài cốt vẫn còn nguyên vẹn, các xương vẫn đầy đủ. Hộp sọ của các cha đạo nước ngoài to, xương đùi dài hơn kích thước người Việt Nam. Sau đó 3 bộ hài cốt được đưa về khuôn viên nhà thờ Hội An chôn cất như hiện nay.

Tên tuổi các vị ấy vẫn còn ghi rõ nên khi đưa về vị nào ra vị ấy dễ dàng. Ở đây có cha Thiết (giáo sĩ người Pháp) và cha Paulo Nguyễn Tường (người Việt) khi mất cũng được chôn trong khuôn viên nhà thờ.

Qua tìm hiểu thì hiện nay ở Hội An còn rất nhiều ngôi mộ “Tây” nằm rải rác nhưng có lẽ những người đó không liên quan gì đến nhà thờ, về truyền giáo nên người ta không đưa về. Khả năng không còn các ngôi mộ giáo sĩ phương Tây ở nằm ngoài nữa.

Một giáo dân Hội An, người tham gia khai quật 3 ngôi mộ các gs nước ngoài về nhà thờ Hội An
Như đã nêu ở phần trước, vào tháng 12 năm 1625, Francisco de Pina đi nhận hàng ở các tàu buôn Bồ Đào Nha ở Cửa Đại thì bị chết đuối. Không thấy tài liệu nào nói đến việc đưa thi hài F.Pina đi đâu, điều đó có nghĩa là ông ta được chôn cất ở địa phương.

Nếu được chôn ở Hội An thì khả năng còn tồn tại cho đến nay là rất lớn vì ở Hội An hiện còn 3 ngôi mộ của thương gia Nhật Bản ở đầu thế kỷ 17 vẫn còn trong tình trạng tốt. Mộ của 3 giáo sĩ được quy tập về nhà thờ Hội An (mất ở thế kỷ 17 và 18) đến sau ngày giải phóng (30/4/1975) cũng vẫn còn tốt. Một khả năng khác là tấm bia ghi tên Francisco de Pina đã bị đập phá hay ngôi mộ bị san bằng nên không tìm ra. Giả thiết này cũng không thuyết phục bởi việc bài đạo là việc các chúa Nguyễn mới thực hiện sau này. Trong các sử sách chỉ thấy ghi cấm đoán, giết các tu sĩ, đuổi họ đi nơi khác chứ không thấy “đập phá, quật mả” của họ lên bao giờ. Nếu F.Pina không được chôn cất ở Hội An thì ở đâu?

< Nhà thờ Phước Kiều (Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam).

Như vậy có thể nào một trong 3 ngôi mộ trên là của Prancisco de Pina? Trong những lần đi tìm hiểu về nhà thờ Hội An, nhà thờ Phước Kiều đa phần tôi đều gặp thuận lợi. Những người trông coi nhà thờ rất nhiệt tình, họ giải thích bất kỳ thắc mắc nào mà chúng tôi nêu lên.

Lần này, đến nhà thờ Phước Kiều để tìm hiểu về các ngôi mộ cổ, tôi được những người dân xung quanh chỉ ra phía sau nhà thờ gần sát hàng rào với nhà dân. Ở đây có 3 ngôi mộ chia thành 2 khu vực cách nhau khoảng 5m. Một cái nằm riêng lẻ còn 2 cái kia thì nằm gần nhau. 3 ngôi mộ này xây theo kiểu “mộ rùa” (thời Vua Quang Trung, thế kỷ 18). Phía trước có trồng cây thánh giá bằng xi măng mới làm và không hề thấy ghi chú tên tuổi ai cả.

Theo suy đoán, 3 người nằm dưới đó phải là người có liên quan đến công giáo và là người của nhà thờ, họ mất vào khoảng thời gian thế kỷ 17,18 . Vì kiểu mộ này với mộ 3 thương gia Nhật Bản thế kỷ 17 được chôn ở Hội An là gần giống nhau cả về kích thước, vật liệu và kiểu xây.

Theo suy đoán những người mất đó không phải là người địa phương. Bởi nếu là dân địa phương khi mất sẽ được chôn ở những mảnh vườn, ruộng hay khu vực mồ mả gia tộc của gia đình. Vậy ba người đó là ai? Nhiều khả năng đó là mộ các giáo sĩ nước ngoài có gắn bó với nhà thờ Phước Kiều (Thanh Chiêm). Đó chính là thời gian F.Pina và các cộng sự đến đây giảng đạo và biên soạn tiếng Việt.

Quan sát 3 ngôi mộ, có lẽ ngôi mộ nằm đơn lẻ là mộ của F.Pina vì năm ông mất (1625) không thấy cha đạo nào mất nữa. Hai ngôi mộ kia có thể là người có mối quan hệ với nhau (bà con, bạn bè) hoặc thời gian mất gần nhau. Những suy đoán cũng chỉ là giả thuyết, có thể đúng và có thể sai. Tuy nhiên sự tồn tại 3 ngôi mộ cổ ở nhà thờ Phước Kiều đã rất lâu nhưng không nghe ai đề cập, tìm hiểu.

< Các ngôi mộ cổ phía sau nhà thờ Phước Kiều.

Biết đâu trong số đó có ngôi mộ của F. Pina thì mảnh đất Thanh Chiêm nhỏ bé vinh dự biết bao. Thanh Chiêm trở thành nơi độc đáo có một không hai trên đất nước Việt Nam vì là nơi chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Nguyên) xây dựng dinh trấn, định cư lâu dài đồng thời mở rộng giao thương nước ngoài qua thương cảng Hội An từ năm 1602. Là nơi Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) đến sinh sống, giảng đạo, học tiếng và biên soạn ra bộ chữ tiếng Việt. Ông đã ở đây từ 1617 đến khi mất 1625. Nhà thờ Phước Kiều, ngôi nhà thờ cổ ấy là cái nôi của tiếng Việt.

Theo B.Thuyên-C.Bính (Dân Trí)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét