Về Bạc Liêu ghé Wat Sereypothimonkol

Không có nhận xét nào
Chùa Sereypothimonkol (còn gọi là chùa Hòa Bình cũ) tọa lạc tại ấp Thị Trấn A1, thị trấn Hòa Bình, Bạc Liêu. Trải qua nhiều thăng trầm do chiến tranh tàn phá, đến nay ngôi chùa vẫn tồn tại và phát huy giá trị của một kiến trúc cổ, là điểm đến sinh hoạt văn hóa bổ ích cho đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương...

< Cổng chùa Sereypothimonkol, còn gọi là chùa Hòa Bình.

Đại đức Thạch Thái - trụ trì chùa Sereypothimonkol - cho biết, so với chùa Xiêm Cán, tuy không phải là chùa lớn nhất, đẹp nhất nhưng Sereypothimonkol là ngôi chùa xưa nhất Bạc Liêu. Tính theo năm được ghi trên bia mộ của nhà hảo tâm cho đất cất chùa, và ngày mất của trụ trì đầu tiên thì ngôi chùa này được xây cất cách đây gần năm thế kỉ, chính xác là 447 năm. Trong khuôn viên chùa còn hai cây đa cổ thụ 300 năm nơi đặt tượng phật độ năm anh em.

< Ở đây, hầu hết các bức tượng Phật đều có lọng rắn che trên đầu.

Chùa Sereypothimonkol được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của người Khmer với những họa tiết độc đáo thể hiện trên mái vòm, ở cầu thang những hình rắn được trạm trổ với quan niệm tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Theo triết lý của người Khmer, phù điêu các tiên nữ và những quái vật được chạm khắc trên các hàng cột, mái hiên là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Với tông màu chủ đạo là vàng - đỏ, nét đặc trưng của chùa Khmer, chùa Sereypothimonkol luôn rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời.

< Dưới gốc bồ đề 300 năm là câu chuyện Phật độ chúng sinh.

Mới đây, chùa Sereypothimonkol đã long trọng tổ chức lễ khánh thành phòng kinh điển và lễ dâng kinh tam tạng. Sau 6 năm xây dựng (từ 2007 - 2013), hiện phòng kinh điển đã chính thức đi vào hoạt động.

Đây không chỉ là niềm vui lớn đối với các sư sãi trong chùa mà còn là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào phật tử người Khmer trên địa bàn.

Được sự cho phép và ủng hộ của chính quyền địa phương cùng tấm lòng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, phòng kinh điển đã được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 700 triệu đồng.

Phòng có diện tích 180m2 đặt tại khuôn viên chùa, được xây bằng bê-tông vĩnh cửu theo phong cách đặc trưng của chùa Khmer truyền thống đan xen với kiến trúc hiện đại, tạo nên nét đẹp hài hòa mà không làm mất đi vẻ trang nghiêm, cổ kính của công trình.

< Tái hiện một triết lý nhà Phật "giàu sang phú quý cũng là phù du".

Để có được những họa tiết, hoa văn vô cùng công phu, đó là sự đóng góp rất lớn từ những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân bản xứ, họ đã mang cả tâm tư, tình cảm của mình hòa vào những đường nét trang trí tạo cho công trình sự tinh tế và sống động, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

< Phòng kinh điển.

Bên trong phòng kinh điển được trang trí tao nhã nhưng không kém phần lộng lẫy được bày trí theo kiểu: Giữa trung tâm phòng là nơi thờ tự Phật Thích ca Mâu ni, bên trái là tủ kinh Phật đồ sộ với 84.000 quyển (trong đó có 110 quyển kinh tạng); bên phải là tủ sách, báo với nhiều đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau và tủ sách pháp luật do UBND tỉnh trao tặng. Ông SaPô - Phó Ban trị sự chùa cho biết: “Những quyển kinh Phật này được nhà chùa thỉnh từ Campuchia về, chúng tôi đã cất giữ rất cẩn thận.

Nay phòng kinh điển xây cất xong, nhà chùa đã có thể mang ra trưng bày nên mới có lễ dâng kinh tam tạng. Là một phật tử, lại là thành viên trong Ban trị sự chùa Hòa Bình cũ, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào vì từ trước đến nay nhà chùa mới có được niềm vui lớn như vậy”.

Đại bộ phận người Khmer theo Phật giáo Nam tông lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng nên chùa giữ vị trí quan trọng và vô cùng linh thiêng trong lòng họ.

Khi đưa vào hoạt động, phòng kinh điển sẽ giống như một thư viện của chùa, để bà con phật tử Khmer có cơ hội đến đọc và tìm hiểu kinh sách của nhà Phật. Ngoài việc lưu giữ kinh sách, đây còn là nơi đón tiếp khách thập phương đến viếng chùa, nơi đồng bào phật tử đến trao đổi và tìm đọc kinh Phật”.

Ngày nay, nhiều người đến Bạc Liêu một phần vì muốn đến quê hương của ông Sáu Lầu - nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người gắn liền với bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, phần khác còn là vì Bạc Liêu gắn liền với các kiến trúc đặc trưng cho tín ngưỡng: Nhà thờ Cha Diệp, Chùa Bà Nam Hải, Chùa Xiêm Cán... nhưng ít ai biết đến vẻ đẹp trầm tư của chùa Sereypothimonkol cổ kính, ngôi chùa càng về chiều càng lung linh.

Ngôi chùa ấy tọa lạc tại ấp Thị Trấn A1, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 15 km về hướng Cà Mau. Người Việt gọi chùa Sereypothimonkol là chùa Hòa Bình cũ.

Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét